Saturday 8 May 2010

Giọt nắng bên thềm

Có một dạo chiều nào đi làm về tôi cũng ngang qua con hẻm ấy. Con hẻm trên đường Hoàng Văn Thụ, cạnh viện bảo tàng. Ngang qua hàng ngày nhưng ký ức chỉ trở về với tôi vào một trưa thứ 7, khi tôi chạy xe chầm chậm và nhìn lên tấm biển treo trên đầu lối vào. Hẻm vẫn vắng lặng. Nằm trong cùng hẻm phụ, ngôi nhà xưa khóa kín cửa.

Tôi từng đến ngôi nhà này vào mùa hè năm 2003, khi mới từ Bắc trở lại Sài Gòn và nhận lời chuyển can nước mơ cho họ hàng một nguời quen. Mở cổng cho tôi là người đàn ông tuổi trung niên, tóc điểm bạc. Tiếp tôi ông không cười nhưng cử chỉ lịch thiệp và gần gũi. Chúng tôi ngồi uống nước chè, nói đôi ba câu chuyện về nhau và về người quen chung.

Trong nhà chỉ có ông và anh con trai. Con trai ông hơn tôi vài tuổi. Anh bị bệnh hiểm nghèo, nằm ở góc phòng. Một khoảng lặng xen vào giữa chúng tôi. Lúc ấy mặt trời đã lên cao, rọi nắng xuống khoảng vườn nhỏ đằng sau nhà. Nắng chiếu lên thềm, hắt vào gian phòng chúng tôi ngồi thứ ánh sáng vàng dịu mát. Tôi nhìn người đàn ông. Ông đang trầm ngâm, đôi mắt hướng xuống sàn, hai bàn tay chụm lại. Và ở kia, trong vùng tối nhất của ngôi nhà, con trai ông vẫn im lìm nằm đó...

Sự tĩnh lặng. Khu vườn. Ánh nắng. Bậc thềm. Vẻ buồn bã của người đàn ông. Ánh sáng ngày hè và bóng tối góc nhà. Tất cả như trong một bức tranh. Một bức tranh của ký ức mà kể từ hồi ấy, tôi không thể hình dung ra một khung cảnh và một người đàn ông nào khác mỗi khi nghe "Giọt nắng bên thềm".

Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Giọt nắng bâng khuâng
Giọt nắng rơi rơi bên thềm

Tôi vẫn còn nhớ mấy chữ đầu tiên trong câu nói của người đàn ông trước lúc chia tay, "Anh đã có lòng chuyển quà...". Anh đã có lòng. Anh đã có lòng... Đằng sau lời cảm ơn lịch sự và chân tình ấy, từ trong giọng nói trầm tĩnh từng trải của người đàn ông, tôi còn cảm nhận được nỗi buồn.

Nỗi buồn của một con người mà năm tháng qua đi, chỉ còn lại sự tịch mịch và nỗi cô đơn mỗi khi lắng nghe tiếng vọng của những biến động trong cuộc đời mình, như người đàn ông của "Giọt nắng bên thềm". Nhưng với người đàn ông mà tôi từng gặp, nỗi buồn có phải chỉ đến từ tiếng vọng của ký ức? Nỗi buồn của ông đến từ thực tại. Con trai ông nằm bệnh ngày qua ngày ngay trước mắt ông. Một thực tại nhuộm màu thời gian, và vì vậy có lẽ nó cũng là tiếng vọng của ký ức.

Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi

Bẵng đi 7 năm, gần đây khi nói chuyện với người quen, tôi cảm thấy vui khi biết bệnh tình con trai người đàn ông đã thuyên giảm khá nhiều. Ông đã bán ngôi nhà và chuyển ra sống ở Hà Nội.

Lâu lắm rồi tôi không uống nước mơ. Hồi mới chuyển nhà vào Sài Gòn, chắc là do vẫn còn nhớ hương vị miền Bắc nên mẹ tôi ngâm mơ để thi thoảng pha nước uống cho mát, nhưng dần dần chẳng thấy mẹ tôi làm vậy nữa. Khi đi giữa tiết trời nóng nực ở Sài Gòn những ngày này, tôi lại thèm một cốc nước mơ lạnh.

Tuesday 20 April 2010

Chiều sương khói

Tháng Sài Gòn nóng nhất sắp đi qua và mùa mưa đang tới. Trời chiều nay âm u lạ lùng. Sương trắng mờ mắc quanh những tòa cao ốc và trên đỉnh những rặng cây. Về tới nhà, tôi tha thẩn đứng bên hành lang. Mùi khói. Ở đâu đó trong thành phố người ta đang đốt lá cây. Vậy là không phải sương mà là khói.

Mùi khói gợi nhắc về tổ ấm. Tôi thích lang thang lúc chiều tà trong những ngày u ám và có mưa. Không ai muốn trải qua cảm giác cô độc quá lâu, nhưng sẽ là một trải nghiệm hấp dẫn khi người ta tự đẩy mình vào trạng thái cô đơn và lạc lõng, để rồi ở điểm tận cùng của nỗi buồn và hoang mang, người ta thêm một lần nữa xúc động nhận ra rằng mình còn có một mái nhà để trở về, còn có mẹ chờ mình cùng bữa tối. Đôi khi tôi thấy mình chưa từng là ai khác một đứa trẻ.

Tuesday 19 January 2010

Mưa xuân

8 mùa xuân ở Sài Gòn, tôi chỉ thấy năm nay và năm kia là xuân đến cùng với những hạt mưa. Buổi sáng, tôi đi làm dọc theo kênh Nhiêu Lộc dưới nền trời xám ngắt và gió se se, nhìn mưa lây phây trên mặt nước đen ngòm mà lòng không khỏi nôn nao.

Không hiểu vì sao mà tôi không nghĩ ngay đến bài thơ ấy khi đi trong mưa xuân sớm nay. Tôi nhớ mưa xuân ở quê, nhớ hàng cây xoan gần ngôi nhà thứ hai, nhớ bầu trời nơi tôi sinh trong những ngày u ám rồi mới chạm tới bài thơ của Nguyễn Bính.

Hai mùa xuân trước, tôi nằm bệnh vào đúng dịp Tết. Một chiều có cô kia đến thăm tôi, ngồi đọc "Mưa xuân" cho tôi nghe. Giọng Hà Nội của cô trong trẻo và điệu ngọt, tuy không thể hiện được nét đẹp mộc mạc của người thiếu nữ làng quê Bắc bộ trong bài thơ nhưng mà tôi vẫn rất nhớ, chẳng biết cô có nhớ không?

MƯA XUÂN
Nguyễn Bính, 1936

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng [1] đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay"

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê

Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày"

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ chèo Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?

[1] Đặng Xá là tên làng chèo ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định), còn Đoài có lẽ là để chỉ một thôn nào đó ở quê Nguyễn Bính (huyện Vụ Bản, Nam Định). Ngày trước, những gánh chèo nổi tiếng thường đi lưu diễn để bà con các nơi thưởng thức. Bữa ấy là hôm gánh chèo làng Đặng đến hát ở thôn Đoài.