Saturday, 8 May 2010

Giọt nắng bên thềm

Có một dạo chiều nào đi làm về tôi cũng ngang qua con hẻm ấy. Con hẻm trên đường Hoàng Văn Thụ, cạnh viện bảo tàng. Ngang qua hàng ngày nhưng ký ức chỉ trở về với tôi vào một trưa thứ 7, khi tôi chạy xe chầm chậm và nhìn lên tấm biển treo trên đầu lối vào. Hẻm vẫn vắng lặng. Nằm trong cùng hẻm phụ, ngôi nhà xưa khóa kín cửa.

Tôi từng đến ngôi nhà này vào mùa hè năm 2003, khi mới từ Bắc trở lại Sài Gòn và nhận lời chuyển can nước mơ cho họ hàng một nguời quen. Mở cổng cho tôi là người đàn ông tuổi trung niên, tóc điểm bạc. Tiếp tôi ông không cười nhưng cử chỉ lịch thiệp và gần gũi. Chúng tôi ngồi uống nước chè, nói đôi ba câu chuyện về nhau và về người quen chung.

Trong nhà chỉ có ông và anh con trai. Con trai ông hơn tôi vài tuổi. Anh bị bệnh hiểm nghèo, nằm ở góc phòng. Một khoảng lặng xen vào giữa chúng tôi. Lúc ấy mặt trời đã lên cao, rọi nắng xuống khoảng vườn nhỏ đằng sau nhà. Nắng chiếu lên thềm, hắt vào gian phòng chúng tôi ngồi thứ ánh sáng vàng dịu mát. Tôi nhìn người đàn ông. Ông đang trầm ngâm, đôi mắt hướng xuống sàn, hai bàn tay chụm lại. Và ở kia, trong vùng tối nhất của ngôi nhà, con trai ông vẫn im lìm nằm đó...

Sự tĩnh lặng. Khu vườn. Ánh nắng. Bậc thềm. Vẻ buồn bã của người đàn ông. Ánh sáng ngày hè và bóng tối góc nhà. Tất cả như trong một bức tranh. Một bức tranh của ký ức mà kể từ hồi ấy, tôi không thể hình dung ra một khung cảnh và một người đàn ông nào khác mỗi khi nghe "Giọt nắng bên thềm".

Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Giọt nắng bâng khuâng
Giọt nắng rơi rơi bên thềm

Tôi vẫn còn nhớ mấy chữ đầu tiên trong câu nói của người đàn ông trước lúc chia tay, "Anh đã có lòng chuyển quà...". Anh đã có lòng. Anh đã có lòng... Đằng sau lời cảm ơn lịch sự và chân tình ấy, từ trong giọng nói trầm tĩnh từng trải của người đàn ông, tôi còn cảm nhận được nỗi buồn.

Nỗi buồn của một con người mà năm tháng qua đi, chỉ còn lại sự tịch mịch và nỗi cô đơn mỗi khi lắng nghe tiếng vọng của những biến động trong cuộc đời mình, như người đàn ông của "Giọt nắng bên thềm". Nhưng với người đàn ông mà tôi từng gặp, nỗi buồn có phải chỉ đến từ tiếng vọng của ký ức? Nỗi buồn của ông đến từ thực tại. Con trai ông nằm bệnh ngày qua ngày ngay trước mắt ông. Một thực tại nhuộm màu thời gian, và vì vậy có lẽ nó cũng là tiếng vọng của ký ức.

Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi

Bẵng đi 7 năm, gần đây khi nói chuyện với người quen, tôi cảm thấy vui khi biết bệnh tình con trai người đàn ông đã thuyên giảm khá nhiều. Ông đã bán ngôi nhà và chuyển ra sống ở Hà Nội.

Lâu lắm rồi tôi không uống nước mơ. Hồi mới chuyển nhà vào Sài Gòn, chắc là do vẫn còn nhớ hương vị miền Bắc nên mẹ tôi ngâm mơ để thi thoảng pha nước uống cho mát, nhưng dần dần chẳng thấy mẹ tôi làm vậy nữa. Khi đi giữa tiết trời nóng nực ở Sài Gòn những ngày này, tôi lại thèm một cốc nước mơ lạnh.